
Cách xử lý thực phẩm sau Tết?

Kinh nghiệm chế biến của những người giỏi nội trợ như sau:
Với những đồ ăn chiên, rán qua xử lý nhiệt nhiều lần thì chất béo từ dầu, mỡ sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho người sử dụng. Vì vậy, nên tránh chiên, rán lại nhiều lần.
Bánh chưng: Sau những ngày Tết thường lại gạo và bị mốc. Trong trường hợp bánh bị mốc từ ngoài vào thành những sợi mốc và có mùi chua thì không sử dụng được nữa vì mốc này là do nhiễm khuẩn. Với những bánh bị lại gạo chỉ cần luộc lại bánh bằng cách đun sôi nồi nước rồi thả bánh chưng vào đun tiếp.
Với những thực phẩm nguội như xúc xích, jăm-bông, thịt nguội khi không sử dụng ngay cần cấp đông ở nhiệt độ âm sâu thì có thể bảo quản trong thời gian dài.
Với lạp xường thì không thể bảo quản trong tủ lạnh, cần để chỗ thoáng mát, tốt nhất là xếp vào một chiếc rổ hoặc rá và để ở giữa trung tâm một chén rượu trắng. Rượu trắng này sẽ có tác dụng xua đuổi côn trùng.
Với các loại giò, chả muốn bảo quản được lâu nên cắt ra thành những miếng vừa ăn rồi dim với nước mắm, sau đó chia ra để trong nhiều chiếc hộp nhỏ để vừa ăn cho từng bữa và cất trong tủ lạnh.
Với những thực phẩm đã qua chế biến như thịt kho, thịt đông, cá rán… thì khi nấu xong cũng cần chia cất vào từng hộp nhỏ theo khẩu phần ăn từng bữa của gia đình và để trong tủ lạnh.
Đối với các loại bánh quy cần phải để trong túi kín, túi bằng thiếc là tốt nhất hoặc cho vào những chiếc lọ thuỷ tinh hút chân không đậy chặt, như vậy sẽ vẫn giữa nguyên độ giòn của bánh và giữ chất dinh dưỡng trong bánh.
Các loại mứt nên cho vào lọ thuỷ tinh và phủ đường trắng lên, đường trắng sẽ có tác dụng hút ẩm và giữ cho mứt khô và trong. Riêng đối với mứt quất, mứt hồng, mứt cà chua… phải dùng nhiệt độ của bếp, đun một chút nước đường lên và cho mứt vào sao lại. Lúc đó mứt sẽ khô lại và bạn có thể bảo quản tiếp lần thứ hai.