
Khi nào cần phẫu thuật amiđan cho trẻ?

Cắt amiđan khi amidan phì đại gây tắc nghẽn, có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ, trẻ thường có các triệu chứng như ngủ ngáy, trong giấc ngủ có cơn ngưng thở tím tái, giật mình, quấy khóc, đái dầm... Hoặc khi bé chậm lớn, kém ăn, hay bị nôn, khó nuốt, khó nói do amidan quá to.
- Cắt amidan khi trẻ bị viêm amiđan mạn tính, tái phát nhiều lần trong năm làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe.
- Khi viêm amidan gây ra các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim do vi trùng ở amidan, viêm cầu thận, viêm khớp do vi trùng ở amidan, áp-xe quanh amidan, viêm hạch cổ. Ngoài ra còn có những chỉ định cắt amidan khác như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư, hoặc hôi miệng do amidan có nhiều ngách hay đọng lại thức ăn, sỏi amidan, nấm amidan.
Cắt amidan có gây tai biến nguy hiểm không?
- Tuy là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, thường tối đa không quá 30 phút, nhưng cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt amidan cũng tiềm ẩn những tai biến như tai biến do gây mê, tai biến do chảy máu sau mổ. Để phòng ngừa những tai biến này, các bậc cha mẹ phải thông báo cho bác sĩ biết rõ những tiền căn dị ứng hoặc những bệnh lý nội ngoại khoa mà trẻ đã hoặc đang có. Đồng thời sau mổ kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.
Sau khi cắt amiđan trẻ có cần kiêng nói?
Khác với quan niệm trước kia là sau khi cắt amidan phải kiêng nói, ngày nay với các phương pháp mổ hiện đại như cắt amidan bằng dao điện, bằng laser hoặc bằng coblation, sau khi cắt trẻ có thể nói chuyện được ngay. Tuy nhiên vẫn tránh những hoạt động thể lực như chạy chơi, bơi lội, đá bóng...

Amiđan là một chức bạch huyết, ở bên trong họng trẻ em. Bình thường, amiđan nằm gọn giữa hai trụ của amiđan và có chức năng bảo vệ vùng hầu họng, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Amiđan giống như một cái đồn biên phòng, canh giữ và mang lại sự “bình yên” cho vùng hầu họng, tuy nhiên cũng là nơi dễ bị viêm.
Trẻ em bị viêm amiđan nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra các biến chứng tại chỗ như áp xe quanh amiđan. Từ amiđan, vi trùng có thể vào máu và gây biến chứng nhiễm trùng huyết – đây là một tình trạng bệnh nặng, khó điều trị. Ngoài ra, viêm amiđan có thể gây ra các biến chứng khác như thấp tim, viêm cầu thận cấp hoặc thấp khớp cấp.
Không nên tự ý điều trị
Viêm amiđan ở trẻ em thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau: sốt, ho, ói, đau họng, khó thở, khó nuốt, hôi miệng. Khi khám, bác sĩ sẽ thấy amiđan sưng to, đỏ, có thể có mủ hoặc nhiều hốc nhỏ. Đôi khi, các hạch ở vùng cổ cũng bị sưng, đau.
Khi nghi ngờ trẻ bị viêm amiđan nên đưa đến cơ sở y tế khám, không nên tự ý điều trị.
Các trường hợp viêm amiđan cấp tính sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau và giảm ho. Viêm amiđan mạn tính bộc phát được điều trị như viêm amiđan cấp nhưng cần xem xét khả năng phẫu thuật sau khi điều trị ổn định đợt cấp.
Bệnh nhi cần uống thuốc liên tục từ 7-10 ngày, không nên tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm.
Khi nào cần phẫu thuật?
Trẻ em bị viêm amiđan cần được xem xét phẫu thuật cắt bỏ amiđan khi có một trong những tình trạng sau:
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ: do amiđan quá to gây chèn ép đường thở.
- Amiđan quá phát gây khó nuốt, nói ngọng, ngủ ngáy, không tăng cân hoặc làm trẻ chậm lớn.
- Amiđan mạn bộc phát cấp tính 3-5 lần/ năm.
- Viêm amiđan có biến chứng: áp xe quanh amiđan, thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận cấp.
- Tình trạng viêm amiđan mạn hốc mủ, có bã đậu gây hôi miệng thường xuyên.
- Viêm amiđan có sỏi.
- Phết họng amiđan có mầm bệnh như Streptococus tan huyết bê ta nhóm A, vi trùng bạch hầu, nấm.
- Nghi ngờ ác tính.
Theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật
Phẫu thuật cắt amiđan tương đối đơn giản, bệnh nhi có thể về trong ngày. Tuy nhiên cần theo dõi hai biến chứng chảy máu và nhiễm trùng trong vòng 10 ngày liền sau cắt amiđan, đặc biệt là trong 24 giờ đầu. Vì vậy, sau cắt amiđan mà bệnh nhi vẫn nhổ ra máu tươi hoặc sốt cao thì nên đưa đến bệnh viện khám ngay.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi sẽ được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 6 giờ. Khi xuất viện về nhà, phụ huynh nên cho các em ăn thức ăn lỏng, nguội, mềm trong khoảng thời gian từ 10-15 ngày tùy theo vết thương lành nhanh hay chậm. Trẻ có thể nói chuyện bình thường sau khi cắt.