
Mứt tết - Cách làm những loại mứt đơn giản
MỨT DỪA
Nguyên liệu:
- Dừa bánh tẻ
- Đường kính trắng
- Vanilla
Cách làm:
- Dừa gọt bỏ vỏ lụa, rửa sạch, thái sợi rồi ngâm vào nước
- Trần qua nước sôi
- Vớt ra, rửa sạch, để ráo
- Lúc này cứ 1kg dừa thì 1kg đường
- Cho dừa vào âu, rắc đều đường lên trên. Chỉ nên rắc 1/3~1/2 chỗ đường thôi. Để đó trong vòng khoảng 12h cho ngấm, rồi lại rắc đường tiếp cho tới hết
- Bắc nồi lên bếp, sên tới khi đường kéo chỉ thì cho vanilla vào, đảo đều.
- Tắt bếp, đảo tới khi đường khô, bám xung quanh miếng mứt là được
- Để nguội, cho vào túi hoặc lọ kín.
- Để được trong vòng 3~6 tháng nếu làm đúng các qui trình trên
Yêu cầu:
- Miếng dừa ngọt vừa, đường phủ một lớp bột trắng ngoài miếng mứt.
- Miếng mứt không bị cháy hay chuyển màu ngà vàng
Note: Nếu thích vị lá dứa, có thể cho nước cốt lá dứa vào ngâm cùng đường. Hoặc tùy thích có thể chế thành các màu khác nhau.
Ngoài ra còn có một cách nữa làm mứt dừa dẻo, nhưng mình chưa thử, bạn nào dũng cảm thử trước xem sao.
MỨT DỪA DẺO
Nguyên liệu:
-1 kg cơm dừa (chọn loại dừa rám) bào bỏ vỏ lụa, rửa sạch, ấn hình hay cắt sợi vừa ăn tùy thích. Sau đó trụng dừa rồi để ráo.
-1kg đường cát trắng.
-2 ống vani.
Thực hiện:
- Ướp đường vào dừa, để cho đường tan chảy ( khoảng 12 giờ đồng hồ), vớt dừa ra.
- Đun nóng nước đường, cho dừa vào ngâm thêm 1 ngày. Lập lại giai đoạn này 3-4 lần, cho đến khi miếng dừa no đường hoàn toàn.
- Sên dừa trên lửa nhỏ đến khi cạn nước, đường kéo chỉ, tắt lửa, cho va-ni, trộn đều tay.
- Đảo dừa liên tục đến khi mứt khô và đường bám đều miếng dừa là được.
- Khi mứt nguội hoàn toàn, cho vào hộp nhựa hay keo thủy tinh, đậy kín nắp, để nơi khô ráo, thoáng mát. Bảo quản và sử dụng trong vòng 3-6 tháng.
Mứt gừng dẻo
So với mứt gừng lát, mứt gừng dẻo dễ làm hơn. Bà Phạm Ngọc Sáng (cơ sở bánh Ngọc Sáng, 199 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM) hướng dẫn cách làm món mứt này.
Chuẩn bị:
Gừng non rửa sạch gọt vỏ, thái sợi cỡ cây tăm. Đừng chọn gừng già, vì độ cay quá đậm, lại có nhiều xơ, rất khó ăn.
Ngâm gừng với 50g muối, sau đó xả lại hai lần nước cho bớt cay, vắt ráo, phơi một nắng (khoảng ba giờ).
Sên mứt:
1kg gừng đã phơi nắng trộn với 50g bột năng và 10g muối. Bột năng có tác dụng làm mứt dẻo mà không bị chảy nước.
Lấy 800g đường và 100g nước cho lên bếp để hòa tan đường. Tiếp đến, cho gừng vào, trộn đều, sên lửa riu riu. Lưu ý: công đoạn này phải đảo mứt liên tục để mứt thấm đều. Khi thấy đường bám đầy trên đũa, tức là mứt đã tới.
Nhấc xuống, cho chanh vào (một trái đã vắt lấy nước cốt) pha thêm chút vani để có hương thơm, trộn đều để không bị lại đường.
Đợi mứt thật nguội mới cho vào keo thủy tinh sạch hoặc gói vào giấy kiếng.
Ngoài ra, có thể bỏ thêm đậu phộng hoặc mè đã rang (đâm nhỏ), cho vào mứt ở công đoạn mứt còn ướt, để có mùi thơm và vị béo.
Mứt gừng giúp làm ấm bụng, dịu cơn ho. Người lớn tuổi trước khi ngủ, dùng một ít mứt gừng cho dễ tiêu hóa. Mứt gừng còn được dùng như một liệu pháp để chống say tàu xe.

Mứt thơm dẻo, ko biết có ai share mứt này chưa:
Nguyên liệu
_Trái thơm nguyên (đã bỏ lá & vỏ đàng hoàng rồi nha)
_Đường
_Ống vani
_Mạch nha (ko có cũng ko sao)
_Giấy bóng kiếng cắt miếng vuông cạnh 10cm( Nếu các mẹ mua dc giấy kiếng chuyên gói bánh kẹo như giấy gói bánh in thì quá tuyệt, còn em ko tìm dc nên đành dùng giấy bóng kiếng gói quà, phải trong nhé, thêm 1 ít hoa văn hoa lá cành thì tuyệt)
Cách làm cực kỳ dễ)
_Cầm trái thơm dọc, dùng nĩa xăm đều lên thân trái, xăm sâu tới dụng lõi trong thì thôi, xăm đều tới khi các mẹ dùng nỉa kéo từ trên xuống lấy hết phần thơm, có thể ra sợi hoặc nhỏ hơn tuỳ ý các mẹ. Bỏ lõi đi nhé.
_Lấy phần thơm cho vào chảo (em khuyên là nên dùng chảo), đổ 1 lượng đường tuỳ ý, khoảng 1-1 hoặc nhiều đường hơn theo khẩu vị. Em thì canh sao cho ăn chua chua ngọt ngọt Nếu muốn thế thì khi chọn thơm đừng chọn quả chín quá.
_Trộn đều thơm & đường rồi bật bếp lên. Đảo qua đảo lại. Đây là công đoạn cực kỳ mất thời gian.Nếu bạn nào có mạnh nha thì múc khoảng 1 muỗng cafe cho 1 trái thơm vào khi chảo mứt hơi sệt lại. Cái này chủ yếu là cho bóng mứt thôi. Sên cho đến khi các chị thấy hỗn hợp kẹo lại, giở đũa lên ko thấy nhỏ giọt.
_Bắt chảo xuống, cho vani vào. Em làm thì 1 trái thơm cho 1 ống.
_Các bạn có thể dích từng cục vừa ăn ra đĩa , để 1 lát cho hơi cứng lại, bớt nóng thì cho vào giấy gói theo ý thích. Em thấy gói kiểu viên kẹo túm 2 đầu & kiểu để mứt chính giữa túm 1 đầu rất dễ thương.

Mứt Quất
Mỗi dịp năm mới, cây quất vàng thường được dùng để trang trí. Sau đó, nhiều gia đình thường bỏ cả cây quả chín mà không biết rằng, quả quất có thể làm mứt, làm nước uống rất thơm ngon. Đồng thời, đây cũng là một vị thuốc chữa bênh hô hấp và tiêu hóa hiệu quả.
Nguyên liệu:
- Kim quất (quất, quất vàng) 400gr
- Đường 80 gr
- Đường viên 80gr
- Muối
- Lượng nước vừa phải
Cách làm:
Ngâm quất trong bát nước sạch có pha muối khoảng 10 phút.
Rửa quất sạch trong nước muối, lấy ra, để khô. Đặt quất theo chiều dọc của quả, dùng dao nhọn kía 6,7 đường chia đều quả quất. Lưu ý, không cắt rời. Số lượng khía chia tùy thuộc vào kích thước của quả.
Dùng ngón tay ấn nhẹ quả quất cho dẹp như hình ảnh.
Dùng tăm nhỏ lấy hết những hạt quất ra.
Cho quất vào một lọ thủy tinh sạch, từng lớp từng lớp một. Mỗi lớp lại rắc 1 lớp đường trắng.
Làm lần lượt cho đến hết, sau đó đậy kín, để nguyên trong 3 ngày. Đường sẽ tan ra tạo thành nước.
Sau 3 ngày, đổ lọ quất vào trong nồi, thêm một chút nước , thêm đường viên, đun sôi.
Sau khi sôi, đun nhỏ lửa đến khi đường viên tan hết, nước đường sánh lại và vỏ quất có mầu bóng.
Mứt quất có thể được ăn tráng miệng, hoặc dùng để pha nước uống.
Cây quất còn gọi kim quất hoặc quất vàng. Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Có công năng hóa đàm, trị ho, lý khí, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt.Chúng đều có tác dụng chữa bệnh hô hấp và tiêu hóa.
Ngoài ra, trong vỏ của quất, quýt, cam có chất tinh dầu có khả năng ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da... Các nhà khoa học Nhật cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.


Mứt bí
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - Giám đốc cơ sở bánh mứt Thành Long, mứt bí dễ dùng vì có tính thanh nhiệt. Tuy nhiên, đây cũng là loại mứt khó làm, vì thời gian thực hiện kéo dài, loại bí để làm mứt cũng khó tìm và đòi hỏi sự khéo tay để mứt có độ trắng trong, đẹp mắt.Lựa chọn bí: phải là loại bí (đao) của Đà Lạt, trọng lượng từ 5kg trở lên mới có độ dày cơm, giòn. Các loại bí khác vừa nhỏ, lại bở nên không thể làm mứt được.
Quy trình thực hiện: gọt vỏ, bỏ hột. Cắt hình dạng dài, tròn, mỏng, dày theo sở thích.
Lấy nước vôi trong màu trắng (có thể mua nước vôi trong tại các quầy bán trầu cau ở chợ) ngâm trong sáu giờ. Sau đó xả sạch, chần qua nước sôi, đổ ra rổ, để ráo, mang phơi nắng (nắng tốt phơi khoảng ba giờ). Tiếp đó, rửa lại bằng nước thường. Chần qua nước sôi, đổ ra rổ để ráo. Đây chính là công đoạn làm trắng mứt bí mà không cần sử dụng hóa chất.
Công thức làm mứt là cứ 3kg bí sử dụng 3kg đường. Chia làm năm lần sên. Nghĩa là mỗi lần nấu 600g đường, đổ nước ngang mặt bí, nấu cho sôi, sau đó bắc xuống để qua một đêm. Ngày hôm sau, vớt bí ra, tiếp tục lấy 600g đường nấu với nước đường đã ngâm bí trước đó, nấu cho sôi, đổ vào bí ngâm qua một đêm. Cứ thế thực hiện trong năm ngày liên tục. Ngày thứ sáu vớt mứt ra rổ, lấy nước đường ngâm bí thắng cho kéo tơ, sau đó lấy bí nhúng vào, trút ra nia để hong khô.
Có thể pha màu bằng các loại trái cây thiên nhiên như dứa, cam, dâu... Dùng nước nguyên chất của trái cây theo sắc màu bạn muốn, pha vào nước đường trong quá trình nấu và ngâm bí.
Chỉ cần bảo quản trong lọ thủy tinh là có thể sử dụng khoảng ba tháng.
(báo phụ nữ)

Mứt Mãng cầu
Cách chọn lựa mãng cầu: tốt nhất nên chọn mãng cầu xiêm của miền Tây, vì vùng đất ưu ái cho giống mãng cầu có vị ngọt thanh. Chọn trái còn tươi và to, dày cơm.
Chuẩn bị: 1kg mãng cầu thịt (bỏ hột), 1/2kg đường trắng. Theo kinh nghiệm, không nên chọn đường ngoại nhập (nhất là Thái Lan), vì mứt sau khi thực hiện có vị chua của mật, không ngon.
Thực hiện:
Mãng cầu lột vỏ, sau đó cầm nguyên trái rửa sạch qua nước, để cho ráo và lấy hột. Tiếp đó, ngâm hỗn hợp trên (mãng cầu + đường) trong thời gian sáu giờ.
Công đoạn sên: bắc chảo lên, để lửa riu riu, cho hỗn hợp trên vào và đảo liên tục để không bị dính chảo. Sên đến khi mứt có độ dẻo "mềm tay". Trước khi bắc xuống, trộn hai ống vani vào cho có vị thơm. Nếu có máy sấy thực phẩm thì sấy theo chỉ định trong hướng dẫn. Còn thực hiện theo cách dân gian thì bỏ mứt ra mâm, rải ra thật mỏng, phơi một nắng. Cứ khoảng hai tiếng trở mặt một lần. Trở hai lần là có thể gói vào giấy bóng kính. Chỉ cần để nơi khô ráo, có thể sử dụng trong một tháng mà không cần chất bảo quản vì đường là chất bảo quản hiệu quả nhất.
Về giá trị dinh dưỡng của mứt mãng cầu, BS Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết:
Mứt mãng cầu được làm từ mãng cầu xiêm để có độ dai cho mứt. Sau khi sên, những miếng mãng cầu tươi ngâm đường, thành phần dinh dưỡng của mứt có thay đổi ít nhiều so với trái mãng cầu tươi. Lượng đường trong mứt mãng cầu khá cao, tùy thuộc vào lượng đường cát đã thêm vào mứt và độ ngọt của mãng cầu. Thành phần chất xơ, khoáng chất như: canxi, phosphor, kali... trong mứt mãng cầu không thay đổi, nhưng hàm lượng vitamine C có giảm nhiều so với trái cây tươi. Năng lượng cung cấp chủ yếu do lượng đường tạo ra, trung bình khoảng 60kcal/100g mãng cầu tươi (tương đương một trái chuối già cỡ trung) và 260-300kcal/100g mứt mãng cầu (tương đương 1,5 chén cơm trắng).