
Sổ đỏ không ghi tên người sở hữu có được không?
Gia đình tôi dự định mua đất làm nhà Từ đường. Nhưng không muốn có người đứng tên sở hữu để sau này không ai có thể bán hoặc tranh chấp nhà này. Xin cho tôi hỏi có dạng sở hữu nào như trên không?
Chân thành cám ơn.
Kính chào

"Theo tập quán của người Việt, từ đường là nơi thờ tự chung và được coi là tài sản chung của cả dòng họ. Pháp luật Việt Nam thừa nhận hình thức sở hữu này", luật sư Phạm Thanh Bình tư vấn.
Theo quy định tại Điều 220 Bộ luật dân sự năm 2005 về sở hữu chung của cộng đồng: “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng”.
Điều luật trên cũng quy định: Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất; các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Liên quan việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, Luật Đất đai hiện hành cũng quy định: Đối với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp cho cả cộng đồng dân cư và trao cho người đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư đó (Khoản 3 Điều 48 Luật đất đai năm 2003). Đồng thời, đất thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư thì “không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”. (Khoản 2 Điều 117 Luật đất đai năm 2003).
Như vậy, trong trường hợp dòng họ bạn muốn mua đất để xây từ đường cho cả dòng họ thì mảnh đất để xây từ đường sẽ là tài sản thuộc sở hữu chung của cả dòng họ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp cho cộng đồng dòng họ (chứ không cấp riêng cho một cá nhân nào) và trao cho người quản lý từ đường (người đại diện cho cả dòng họ) nắm giữ.
Trường hợp việc mua đất để xây từ đường chỉ phục vụ cho riêng gia đình bạn thì các thành viên trong gia đình có thể thỏa thuận mảnh đất này là tài sản chung của cả gia đình. Khi đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp cho hộ gia đình, các thành viên có quyền ngang nhau đối với mảnh đất đó. Nếu một thành viên muốn định đoạt phần sở hữu của mình trong mảnh đất đó phải được sự đồng ý của các thành viên còn lại.
Tóm lại, đất để xây từ đường thuộc sở hữu chung của cả dòng họ sẽ bảo đảm tính ổn định và tránh được những tranh chấp phát sinh. Do vậy, bạn và gia đình nên cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi tiến hành thực hiện.

Chắc chắn là không được....
Yêu cầu của bạn không thể được. Theo quy định của pháp luật phải có người đứng tên trên giấy chứng nhận để nhà nước có thể liên hệ nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan như: đóng thuế, giải tỏa, vân vân và vân vân.. Nếu cần thiết thì theo yêu cầu của bạn thì nhà nước cũng yêu cầu phải có người đại diện đứng ra làm chủ sở hữu chung...nếu đó là tài sản riêng của bạn dành cho con cái nhưng muốn chúng không được bán thì bạn có thể nêu nguyện vọng theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp xã - huyện ...hoặc phòng công chứng...có thể ước muốn của bạn sẽ thành hiện thực...nhưng chắc chắn là phải có người đứng tên trong giấy chứng nhận QSD đất (sổ đỏ).

Nếu bạn muốn sổ đỏ không đứng tên ai thì hoàn toàn không được (bạn xem quy định của lụật đất đai 2003 nhé). Còn mảnh đất mà bạn muốn mua lại quyền sử dụng đất để làm từ đường chung cho cả họ thì hoàn toàn thực hiện được. Và theo quy định của luật dân sự thì sau này đó sẽ là tài sản chung không thể phân chia. Sau này sẽ không ai có quyền khỏi kiện đòi quyền lợi riêng ở phần đất đó. bye bye

Điều 7 Luật đất đai: Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
Như vậy, Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện quản lý. Nhà nước sẽ cấp cho tổ chức hoặc cá nhân cụ thể quyền sử dụng. Nếu không sử dụng nhà nước sẽ thu hồi theo quy định.
Do đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên cụ thể tổ chức hoặc cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng.
Có một vài cơ sở pháp lý giúp bạn tham khảo :
1. Điều 18 Hiến pháp 1992
Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài.
Tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất, được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật
2. Điều 9 Luật đất đai
Điều 9. Người sử dụng đất
Người sử dụng đất quy định trong Luật này bao gồm:
1. Các tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi chung là tổ chức) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất;
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân) được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất;
4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hoặc giao đất;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư, hoạt động văn hoá, hoạt động khoa học thường xuyên hoặc về sống ổn định tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao đất, cho thuê đất, được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
7. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất.
Chúc bạn may mắn.