
Có nên thử thách chàng trước khi cưới ko?

Trước khi quyết định lấy chồng, nhiều người vẫn chưa thực sự tin tưởng vào sự lựa chọn của mình mà muốn “kiểm định” thêm lần nữa bằng cách sử dụng phép thử để biết được chàng là người như thế nào, và tình cảm chàng dành cho mình đến đâu. Liệu việc thử thách chàng trên con đường tìm kiếm hạnh phúc có cần thiết không?
Muốn chàng phải “vượt qua thử thách”
Trước khi cưới, bạn đã bao giờ nghĩ mình sẽ thử thách chàng? Hãy nghe tâm sự của một thành viên “Tình hình là em và chàng đã duyệt cuối năm cưới, nhưng sao vẫn cứ thấy không an tâm để trao thân gửi phận làm vợ chàng, vẫn thấy có khả năng chàng sẽ trở thành một ông chồng vô tâm, lười nhác. Bởi chàng nhà em cũng ham chơi, nấu ăn hơi tệ, lười tắm giặt, đã ngủ thì ko thể kêu dậy đi đâu làm gì được. Một số việc nhà cơ bản mà đàn ông phải biết làm như sửa máy tính, nối bảng điện, sửa xe máy… hình như chàng không giỏi lắm, nếu ko muốn nói là không biết. Bù lại thì cũng có một vài điểm tốt như yêu mình, vui tính, thật thà, ngoan ngoãn.
Làm sao để biết chàng sẽ không thay đổi tính nết khi đã “lừa” được mình về làm vợ nhỉ? Làm sao để biết mình và chàng sống với nhau sẽ hợp nhau? Rồi trước những khó khăn, thử thách về tài chính, cách nuôi dạy con cái, khi ốm đau, và những xung đột khác có thể xảy ra trong cuộc sống vợ chồng, liệu chàng có thay đổi. Lấy chồng như đánh bạc, làm sao thử thách chàng để “biết làm chồng” trước khi cưới đây?”.
Khi yêu, lẽ tất nhiên bạn luôn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Thế nhưng không phải lúc nào niềm tin ấy cũng đặt vào đúng chỗ. Có rất nhiều sự thay đổi của chàng trước và sau khi cưới làm bạn cảm thấy “thất vọng tràn trề”, khiến cho không ít nàng phải thốt lên rằng: “Nếu biết anh ấy như thế này tôi sẽ không bao giờ cưới”.
Khi chưa tự tin và chưa chắc chắn một điều gì đó, bạn dùng đến phép thử củng cố niềm tin. Nhưng trong hôn nhân, điều đó thật sai lầm.
Nếu phát hiện ra anh chàng của mình là người vô tâm, lười nhác, ham chơi, nấu ăn tệ, lười tắm… bạn có lấy đó làm nguyên nhân để xem xét lại cuộc hôn nhân của mình hay bỏ qua và tập ” sống chung với lũ”?.
Kinh nghiệm ” xương máu” của những người có thâm niên làm vợ cho rằng: rất khó để thay đổi người đàn ông. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn đầu hàng, hãy coi đó là những chuyện nhỏ, góp ý thẳng thắn để anh ấy thay đổi hơn là nghĩ đến giải pháp “thử thách”.
Việc tự mình đặt ra hoàn cảnh để thử thách “bụng dạ” người ta không có gì xấu, nhưng nếu không khéo léo, tế nhị, chẳng may anh ấy biết được thì sự việc càng tệ hơn. Vô hình chung, bạn trở thành nạn nhân do chính “ ý tưởng” của mình đưa ra.
Khi phép thử phản tác dụng
Bạn dày công nghiên cứu và dàn dựng lên một tình huống có thật và xem cách phản ứng của chàng như thế nào. Và chỉ cần một phản ứng của chàng thôi, bạn đã đoán được người chồng tương lai của mình như thế nào? Điều này thật thiển cận.
Có hai giả thiết đặt ra. Nếu anh ấy phản ứng “trong sạch” như kịch bản sắp đặt, bạn sẽ sung sướng xác định rằng anh ấy đúng là người dành cho bạn. Đằng sau sự mãn nguyện đó, có khi nào bạn nghĩ mình không xứng đáng vì chẳng tin tưởng hoặc nghĩ sai về người sắp làm chồng mình? Bạn có khi nào tự hỏi tại sao sau một thời gian yêu nhau, tìm hiểu nhau mà bạn vẫn không chắc chắn có muốn làm vợ anh ấy hay không? Có phải chỉ vì chàng có nhiều “tật” hay vì tình yêu của hai bạn chưa đủ sâu sắc và bền vững để bạn chấp nhận trao gửi cuộc đời mình?
Nếu anh ấy xử sự sai với những gì bạn tưởng tượng, bạn hờn giận, trách cứ và sẽ xem xét lại tình cảm của hai người.
Thử thách bao giờ cũng là con giao hai lưỡi, và cho dù kết quả thế nào người bị tổn thương cũng chính là bạn. Thay vì mang tình yêu của mình ra cân đong, đo đếm, bạn nên biết sống bao dung, vị tha hơn và đặt niềm tin ở người mình lựa chọn.
Một cô gái đã để tuột hạnh phúc khỏi tầm tay của mình vì muốn thử thách tính trăng hoa của người chồng sắp cưới ở xa mới về. Cô đã không ngần ngại nhờ người bạn thân cặp kè với chàng. Sự việc vỡ lở trong một lần anh đọc được tin nhắn của hai cô gái, và tất nhiên mọi chuyện chẳng thể cứu vãn được, bởi anh nhận thấy mình bị xúc phạm và quan trọng hơn, người bạn đời tương lai không có niềm tin ở mình.
Sẽ có những lúc anh ấy không như bạn muốn, anh ấy lười, vô tâm, không đoái hoài đến bạn. Và bạn cho rằng anh ấy phải từ bỏ những thói xấu đấy ngay lập tức để phù hợp với bạn. Tất nhiên, khi yêu, anh ấy có thể “tạm thời” chiều theo, nhưng đấy không phải là con người anh ta. Và sau ngày cưới, nếu không thực sự tự nguyện, tự giác thay đổi thì tất nhiên, anh ta vẫn là con người ban đầu. Liệu thử thách có ích gì?
Thay vì cằn nhằn, tỏ thái độ khó chịu thậm chí tức giận với thói xấu của chồng, bạn cần chuyển sang chiến lược nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Đời sống vợ chồng cần có sự hòa hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhà. Chồng bạn không chăm chỉ làm việc nhà giúp vợ, điều đó không có nghĩa là anh ấy không thể và không biết làm bất cứ việc gì. Cần thỏa thuận rõ ràng để phân chia công việc trong nhà, điều đó giúp anh ấy có ý thức hơn trong vai trò một người chồng. Bạn không thích khi ai đó cáu gắt, phàn nàn về mình, anh ấy cũng thế. Hãy góp ý thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng, nếu có việc gì chưa đúng ý mình, bạn nên chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình với anh ấy chứ không nên “gây sự” bằng lời lẽ chê bai, trách móc. Nên nhờ vả chàng những việc nhà thường xuyên, chàng sẽ sẵn sàng giúp bạn khi biết rằng mình được cần đến. Khen ngợi chàng dù chàng quét nhà chưa sạch hay dọn phòng vẫn chưa gọn gàng lắm, sự công nhận của bạn về “thành tích ” của chàng khiến chàng cảm thấy có “động lực” để tiếp tục giúp đỡ bạn lần sau.
Nếu bạn vẫn băn khoăn về người chồng sắp cưới, hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu, thẳng thắn góp ý và “rèn” chàng vào khuôn khổ. Mưa dầm, thấm lâu. Nếu muốn sống trọn đời với bạn, anh ấy biết sẽ thay đổi như thế nào để bạn yên tâm “gửi gắm cuộc đời” khi làm vợ anh ấy