
Không hôn thú có phải chu cấp tiền nuôi con ko
Tôi và anh ấy có một con chung năm nay 6 tuổi, và hiện không còn chung sống với nhau. Giờ tôi muốn yêu cầu anh ấy có trách nhiệm với cháu thì có gặp trở ngại gì không khi mà giữa chúng tôi không có hôn thú? (Diệu Thúy)
Do hoàn cảnh đặc biệt của tôi nên thời đó chúng tôi đã không đăng ký kết hôn. Hiện, con gái ở với tôi. Tôi tôi có làm giấy khai sinh cho cháu như những đứa trẻ khác.
Cần nói thêm rằng trong suốt thời gian qua mặc dù thỉnh thoảng có qua lại đón con và thăm hỏi thì cha của con tôi không hề chu cấp về mặt kinh tế để cùng tôi nuôi cháu.

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Như vậy, khi không đăng ký kết hôn tức không được pháp luật công nhận có quan hệ vợ chồng với người cha của đứa bé và nếu người cha đó cũng không nhận con là con thì chị không có cơ sở để yêu cầu người cha phải có trách nhiệm đối với con của chị.
Trường hợp người cha tự nguyện nhận con thì theo Điều 33 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ (về đăng ký và quản lý hộ tịch), người cha có thể đến UBND cấp xã nơi mình hoặc nơi người con cư trú để làm thủ tục nhận con. Trường hợp của chị đến nay cháu được 6 tuổi và đã làm thủ tục đăng ký Giấy khai sinh. Tuy nhiên, chị không nêu rõ trong Giấy khai sinh phần khai về người cha bỏ trống hay khai tên chồng của chị.
Vì vậy, chị có thể liên hệ với UBND cấp xã để đăng ký khai sinh cho con có ghi tên người cha hoặc ghi bổ sung phần khai về cha trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha trước đây để trống. Khi đó chị có thể đặt họ cho con theo họ của cha (nếu chưa làm khai sinh) hoặc làm thủ tục thay đổi họ của con từ họ của mẹ sang họ của cha (nếu đã làm khai sinh và để con mang họ của mẹ).
Trường hợp người cha không đồng ý nhận con thì căn cứ vào Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, chị có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu Tòa án xác định cha cho con chưa thành niên. Căn cứ vào quyết định công nhận việc nhận cha, con hoặc kết quả xét xử của tòa án, chị và anh ấy có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con chung hoặc nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nếu không thỏa thuận được việc này, chị có thể khởi kiện ra TAND để được xem xét, giải quyết.

Bạn nên xác định cha cho con
Theo khoản 1 Điều 65 Luật HNGD 2000, thì: "Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết".
Như vậy, việc đầu tiên bạn phải xác định cha cho con bạn. Theo đó, giữa người đàn ông và con bạn có quan hệ huyết thống nên cũng theo quy định tại Điều 50 Luật này thì:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, để buộc người cha cấp dưỡng tiền giúp chị nuôi con, chị phải xác định cha cho con, hay chị có thể yêu cầu Toà án nơi chị cư trú tuyên không công nhận tình trạng hôn nhân của anh chị, việc cấp dưỡng cho con sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này, tức người nào không trực tiếp nuôi con thì phải cấp dưỡng phụ người trực tiếp nuôi con, mức cấp dưỡng có thể do các bên thoả thuận phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của bên phải cấp dưỡng.