
Những 'Khổ nhục kế' buộc chàng làm lành?

Không nên "già néo đứt dây"
Chuyện vợ chồng giận dỗi, cãi vã là điều hết sức bình thường. Tâm lý của phần lớn người vợ là luôn muốn được chồng “cầu hòa” trước, như thế mới chứng tỏ bản thân mình có giá trị và còn được chồng thương yêu. Có khi cũng muốn làm lành với chồng nhưng “cái tôi” lớn quá nên người vợ quyết im lặng, nghĩa ra vài cách để chồng “thương hại” vợ, đến mức phải lên tiếng trước.
Nếu chỉ vài lần giận dỗi hoặc đó là những cặp vợ chồng son thì người chồng dễ mủi lòng mà “hạ mình” nịnh vợ. Nhưng nếu đó là những “chiêu” đã cũ thì lúc này, người chồng sẽ hình thành tâm lý “chai lỳ” (vợ làm gì mặc vợ). Do đó, người vợ chỉ rước thêm sự bực bội và ức chế cho bản thân mình. Hơn nữa, nếu chồng nhất định không lên tiếng trước trong khi vợ cũng cố chấp thì càng đẩy mọi chuyện đến ngõ cụt, càng để lâu ngày, “cục tự ái” trong vợ và chồng càng “nở to” ra. Những khó chịu "bé xíu" bị tích tụ lâu ngày càng có nguy cơ gây rạn nứt lớn.
Cách ứng xử tốt nhất là người vợ nên linh hoạt, không phải khi nào giận chồng cũng bắt chồng làm lành trước; cũng không phải khi nào căng thẳng, người vợ phải chỉ rõ lỗi thuộc về ai. Tùy vào hoàn cảnh, người vợ có thể chủ động làm lành, khi vợ chồng đã hòa giải, người vợ tiếp tục phân tích cái đúng – cái sai cho chồng hiểu. Biết đâu lúc này, chồng sẽ quay sang “xin lỗi” vợ.