
Ăn nhiều trứng gà có sao không?

Ăn nhiều trứng hại gan?
Trước thông tin cho rằng, ăn nhiều trứng vịt có thể gây hại cho gan, BS Hướng khẳng định, chưa có cơ sở khoa học cho thấy trứng hại cho gan. Ở những người sức khỏe hoàn toàn bình thường, ăn trứng không hề có hại, chỉ ở những người có một số bệnh lý thì mới nên hạn chế ăn trứng. Ông đã từng chứng kiến có những người ăn rất nhiều trứng, mê trứng, khi đói có thể ăn đến cả chục quả trứng vịt luộc, nhưng vài năm sau đó đi kiểm tra sức khỏe vẫn không phát hiện gan bị ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, BS Hướng cho rằng, cũng như tất cả các thực phẩm khác, mọi người chỉ nên ăn trứng vừa phải. Nếu chỉ ăn thiên về một loại thực phẩm gì đều không tốt, mà cần ăn phong phú, đa dạng.
Trứng gà, trứng vịt thành phần cơ bản đều giống nhau, bổ dưỡng như nhau. Với cả hai loại trứng gà, trứng vịt trẻ con hay người lớn chỉ nên ăn 2-3 lần/ tuần, mỗi lần chỉ ăn một quả. Riêng với con trẻ thì nên cho ăn trứng gà thay trứng vịt, vì dù thành phần cơ bản giống nhau, nhưng trứng vịt được tiêu hóa chậm hơn khiến bé cảm giác no bụng lâu hơn.
Vậy với những trẻ quá yêu thích món trứng, ngày nào cũng ăn thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Theo BS Hướng, việc trẻ ăn quá nhiều trứng, có khi tới chục quả mỗi tuần, tuy chưa có bằng chứng hại cho sức khỏe nhưng cách ăn này là không khoa học và lãng phí. “Cơ thể sẽ không thể tiêu hóa hết năng lượng được nạp từ trứng mà sẽ đào thải ra ngoài. Có những trẻ ăn nhiều trứng đến mức đi đại tiện ra cả trứng. Vì thế, mỗi tuần chỉ nên ăn 2 - 3 lần, mỗi lần không quá một quả là vừa đủ”, BS Hướng nói.
Chớ ăn lòng đỏ, bỏ lòng trắng
Theo BS Hướng, một số người nghĩ ăn trứng có hại vì trong lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol. Thực ra, cholesterol cũng là một chất có hiệu quả tích cực (khi dùng vừa đủ, hợp lý) nên không hẳn nó có hại với tất cả mọi người. Do cholesterol thường chỉ tích tụ trong máu khi hàm lượng quá nhiều và ở người tuổi trung niên trở đi, còn ở người trẻ, khả năng đào thải cholesterlo rất tốt. Có rất nhiều trẻ em dù béo nhưng khi kiểm tra thì không có tình trạng mỡ máu.
Riêng với những người mắc bệnh về gan, mỡ máu, suy thận, huyết áp cao thì nên ăn ít trứng, vì lượng cholesterol hấp thụ từ lòng đỏ trứng sẽ là nguy cơ khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề.
Cùng quan điểm này, BS Vũ Trường Khanh, Phó khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, trong lòng đỏ trứng gà, vịt chứa khá nhiều chất béo và cholesterol. Mỗi quả trứng trung bình 17gr chứa tới 220mg cholesterol và nhiều chất béo, chủ yếu là axít bão hòa. Cơ thể không nên hấp thụ quá 300 miligram cholesterol mỗi ngày. Nếu chỉ cần ăn hai lòng đỏ trứng mỗi sáng đã vượt xa lượng cholesterol được phép hấp thu, chưa kể các nguồn thực phẩm khác trong bữa ăn hàng ngày. Vì thế, tất cả đối tượng, từ trẻ em, phụ nữ mang thai và những người đang có nhu cầu bồi bổ sức khỏe không cần thiết là ngày nào cũng phải ăn trứng gà. Tốt nhất không nên ăn quá 3 lòng đỏ quả trứng gà mỗi tuần, còn lòng trắng trứng thì có thể không hạn chế vì rất tốt đối với sự rắn chắc, phát triển cơ bắp.
Khi ăn trứng thì nên ăn cả quả, không bỏ lòng trắng vì lòng trắng trứng không chứa chất béo, cũng không chứa cholestorol nhưng lại giúp cho cơ bắp phát triển. Vì thế, các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên, khi chế biến trứng, nên cố gắng giảm lượng lòng đỏ trứng xuống và ăn nhiều lòng trắng sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

Ai cũng biết trứng gà rất bổ, vì thế từ trẻ nhỏ, đến phụ nữ mang thai, mới sinh hay những người mới ốm dậy, thậm chí cả những người đang ốm… đều được khuyến khích ăn nhiều trứng gà. Nhưng nếu ăn nhiều thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Trứng gà rất tốt cho sức khỏe
Vì giá trị dinh dưỡng của nó khá cao. Protein trong trứng gà trứng gà là loại aminoacid cần thiết cho cơ thể. Trong trứng gà còn có nhiều vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo, nhất là omega 3 rất cần thiết cho sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ. Các chất lecithin, ovoflavin, linolenin, cholesterol trong trứng có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của cơ thể và giúp ích rất nhiều trong quá trình phát triển não bộ của thai nhi cũng như trẻ nhỏ.
Ngoài ra, trứng gà còn có một số công dụng tuyệt vời khác như: chất protein trong trứng có tác dụng hồi phục tổn thương của tế bào gan, lecithin trong lòng đỏ có tác dụng thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan, có khả năng nâng cao khả năng chuyển hoá và miễn dịch của cơ thể. Vitamin B2 trong trứng gà có tác dụng phân hủy và oxy hoá các chất gây ung thư trong cơ thể và các yếu tố vi lượng trong trứng gà như selen, kẽm cũng có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Tác dụng của trứng gà đối với cơ thể thì rất nhiều, nhưng nếu trẻ ăn nhiều trứng gà thì nó có còn thực sự tốt?
Ăn nhiều cũng không có lợi
Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng của trứng gà khá cao, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều trứng gà. Một là vì các nếu ăn quá nhiều cơ thể sẽ không thể tiêu hóa hết năng lượng được nạp từ trứng mà sẽ đào thải ra ngoài, đôi khi có trẻ còn đi cả phân sống.
Hai là trứng gà rất giàu hàm lượng protein, nếu ăn quá nhiều khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể gặp trục trặc do thận phải làm việc quá tải. Ăn trứng quá nhiều có thể gây ra hiện tượng táo bón.
Dù hàm lượng dinh dưỡng của trứng gà khá cao, nhưng cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều trứng
Mặt khác các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng protein trong trứng gà không được phân giải hết dễ sinh ra những độc chất như amine, phenyl hydrad gây nguy hại cho sức khoẻ. Ngoài ra, trong trứng có chứa một hàm lượng lớn cholesterol nên nếu trẻ ăn nhiều trứng trong một thời gian dài có thể dẫn đến xơ hoá động mạch.
Ăn thế nào cho đúng?
Theo ý kiến của các chuyên gia y tế thì người lớn tuổi không nên ăn quá 5 quả trứng 1 tuần, thanh niên tối đa là 7 quả và trẻ dưới 1 tuổi thì không nên ăn trứng.
Nên ăn trứng đã được nấu chín kỹ vì trứng chưa chín thì sẽ khiến cơ thể khó tiêu. Các nhà dinh dưỡng học cho biết: nếu ăn trứng gà sống thì tỷ lệ hấp thu và tiêu hoá chỉ chiếm 40%, ở trứng luộc là 100%, trứng rán chín tới 98,5%, trứng rán già 81%, trứng ốp 85%, trứng chưng 87,5%, trứng ốp 97%, do đó các nhà dinh dưỡng học khuyên tốt nhất là nên ăn trứng luộc, không những bảo đảm được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất... mà các vitamin bị mất đi ít.
Trứng chưa nấu chín có thể sẽ chứa vi khuẩn gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Vì thế, phụ nữ mang thai tốt nhất là nên luộc hoặc chế biến kỹ trứng gà trước khi ăn để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.
Khi ăn, trẻ nên ăn chậm, nhai kỹ để đảm bảo hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa tốt. Và những trẻ đang bị sốt, tiêu chảy hoặc sỏi mật cũng nên hạn chế ăn trứng gà vì trứng gà giàu protein, vì sau khi ăn trứng sẽ tạo ra một nhiệt lượng lớn không tốt cho người bị sốt và có thể gây sốt kéo dài. Còn trẻ đang bị tiêu chảy thì khả năng chuyển hóa chất kém hơn, cơ thể sẽ khó hấp thu các chất từ trứng gà.