
Theo bạn có nên sống thử hay không?

Chuyện những cô cậu sinh viên xa gia đình, trọ học, thiếu thốn tình cảm và cần một người để chia sẻ những cảm xúc vui buồn, chia sẻ những khó khăn vất vả... không còn là chuyện hiếm gặp. Những bạn sinh viên ấy ban đầu đến với tình yêu có thể một cách chân thành, không vụ lợi, nhưng sau một thời gian lại muốn bên cạnh người ấy mãi mãi, đi bên nhau như hình với bóng nên có ý định góp gạo thổi cơm chung. Điều đó cũng không có gì phải lên án vì có nhiều lý do khả quan được đưa ra để bênh vực cho tình huống ấy. Nhưng theo bạn, sinh viên có nên sống thử hay không?
Khi các bạn bước vào tuổi sinh viên, tức là đã 18 tuổi, đủ tuổi công dân để quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai và phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành vi của mình. Chính vì cuộc sống xa nhà, các bạn cảm thấy tình cảm lúc nào cũng trong trạng thái đói khát và cần phải giải toả với người bạn trai/bạn gái hiểu được những tâm sự của mình. Điều đó giúp các bạn đến gần với nhau hơn, sẻ chia nhiều hơn và dẫn đến những tình huống không lường trước được.
Nếu ở trong ký túc xá, những sự quản lý gắt gao từ phía ban quản lý, các bạn cảm thấy bị gò bó và không có cơ hội ở gần nhau. Những năm sống ở ký túc, tôi thấy rõ những tình yêu hết sức trong sáng theo đúng nghĩa của nó. Cặp đôi sinh viên thường nắm tay nhau đi dạo, cùng ghé uống ly sinh tố, ngồi chuyện trò trên những hàng ghế đá dọc lối đi. Và nếu có tình trạng ngồi sát với nhau quá, sẽ bị bác bảo vệ nhắc nhở để giữ mỹ quan. Tình yêu được thể hiện như vậy có lẽ không đủ đối với một số cặp đôi nên họ chuyển ra ngoài, sống theo ý thích của mình.
Khi khảo sát một số cặp đôi đã ra sống chung, người ta gọi là "sống thử" ấy mà (sống thật mới đúng chứ ta?), có nhiều chuyện cần phải bàn. Dĩ nhiên là từ tình yêu đi đến hôn nhân phải là cả một chặng đường dài, có nhiều chuyện phải bàn cãi. Ông bà ta bảo: hôn nhân là chuyện cả đời cơ mà, chứ chẳng phải lúc thích thì thử, lúc không thích thì thật. Chuyện sống chung với nhau, gia đình hai bên không biết là điều tất yếu. Ngoài việc phải giấu gia đình còn phải đảm bảo việc học hành, ăn ở, sinh hoạt và còn vô số những chuyện không tên khác. Khi sống chung, phải biết sự thật rằng sống như vợ chồng, người phụ nữ thường phải tề gia nội trợ theo phong tục người châu Á, người đàn ông lo chuyện kinh tế. Nhưng với những cặp đôi này, khi kinh tế đang còn phụ thuộc khá nhiều vào gia đình, việc chu cấp từ bố mẹ thì trong cuộc sống chung, cả hai đều chịu áp lực về kinh tế. Đồng thời, sa sút trong học hành từ những chuyện không đáng có hằng ngày, việc có thai ngoài ý muốn khi cả hai đang còn đi học... khiến nhiều cặp đôi mệt mỏi.
Có đáng hay không khi đang độ tuổi sinh viên với những ước mơ cháy bỏng về cuộc sống tương lai lại bị vướng bận bởi cuộc sống gia đình? Có đáng hay không khi người con gái đánh đổi cả cuộc đời để có khi nhận lại là con số không tròn trĩnh? Vẫn biết xã hội hiện đại có thể chấp nhận những cuộc sống trước hôn nhân để có thể thử thách nhau và hiểu hơn về tình yêu của nhau nhưng thiết nghĩ khi đang sống cuộc sống sinh viên thì vẫn nên học, tham gia hoạt động xã hội hơn là việc tạo cho nhau những ràng buộc không đáng có.