
Có bị chiếm đất khi đem cầm cố sổ đỏ?
Tôi có người anh, do thua cá độ bóng đá nên đã lấy sổ đỏ của gia đình đi cầm cố (không biết là tiệm cầm đồ hay chủ nợ). Tôi muốn hỏi là người đang giữ sổ đỏ đó có thể bán đất của tôi hay không? Hay người đó có uy hiếp chúng tôi được không?
Tôi có thể đăng ký cớ mất để làm lại sổ đỏ khác được không?
Thành thật cảm ơn vì đã đọc thư của tôi.
Trân trọng chờ hồi âm.
(Tuấn Hữu)

Sàn GD Bất động sản DV LAND!
Chào bạn!
Về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ vào các quy định của BLDS năm 2005 tại các Điều:
“Ðiều 326. Cầm cố tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Ðiều 327. Hình thức cầm cố tài sản
Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.”
Việc cầm cố tài sản phải đảm bảo các yếu tố:
- Người có tài sản cầm cố phải là chủ sở hữu được pháp luật công nhận, hoặc được chủ sở hữu ủy quyền, bảo lãnh cho việc cầm cố - thế chấp, việc ủy quyền hay bảo lãnh thế chấp phải được tiến hành theo quy định của pháp luật (phải bằng công chứng). Trong trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp là tài sản chung thì phải được sự đồng ý của các đồng sở hữu.
Nếu anh của bạn mang sổ đỏ của gia đình (sổ do người khác đứng tên, đồng sở hữu) đi cầm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu và các đồng sở hữu và không làm thủ tục theo quy định của pháp luật thì hợp đồng cầm cố thế chấp là vô hiệu và không có giá trị pháp lý.
Để chuyển nhượng (bán) đất thì phải làm các thủ tục theo qui định của pháp luật (có hợp đồng, được công chứng, do chủ sở hữu và bên mua trực tiếp ký) thì hợp đồng chuyển nhượng mới được thực hiện.
Chủ nợ (người cầm cố) không thể tự ý bán đất của gia đình bạn, và không thể đe dọa gia đình bạn, bạn nên gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn và giải quyết.
Việc báo mất để làm lại liên quan nhiều yếu tố pháp lý khác, bạn không nên làm...
Câu trả lời này chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu cần hỗ trợ gì thêm, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, khi gia đình anh được cấp sổ đỏ có nghĩa là Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu của gia đình anh đối với diện tích đất hoặc nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo quy định tại các Điều 168, 169 của Bộ luật Dân sự (BLDS) thì quyền sở hữu của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ; không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Đối với bất động sản thì việc chuyển quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. BLDS cũng quy định việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung phả được sự đồng thuận của tất cả các đồng sở hữu, một người không có quyền mang tài sản chung đi cầm cố, thế chấp hoặc chuyển nhượng.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 130 Luật đất đai cũng quy định thủ tục đăng ký thế chấp, quyền sử dụng đất khá chặt chẽ. Hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất gồm Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).
Hồ sơ này được nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn thì nộp tại UBND xã nơi có đất để chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng; trường hợp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Từ những căn cứ pháp lý nêu trên, việc người anh trai của anh đã lấy sổ đỏ của gia đình đi cầm cố, thế chấp để vay tiền cá độ bóng đá mà không được sự đồng ý của những người trong gia đình là không hợp pháp. Vì vậy nên người nhận cầm cố, thế chấp cũng không thể làm đầy đủ các thủ tục theo quy của pháp luật về đất đai.
Do đó, giao dịch giữa anh trai anh và người đang cầm giữ sổ đỏ của gia đình anh là bất hợp pháp. Vì thế, người đang cầm giữ sổ đỏ của gia đình anh cũng không thể đứng ra bán đất hoặc chiếm đoạt mảnh đất của gia đình anh được.
2. Điều 24 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) thì chỉ cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị mất.
Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấp lại sổ đỏ khi sổ đỏ bị đem cầm cố, thế chấp. Vì vậy, gia đình anh không thể đăng ký cớ mất để làm lại sổ đỏ khác.
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà
Số 2 ngõ Thi Sách, phố Thi Sách, Hà Nội


Không bị mất đất hay sổ đỏ
Theo như bạn mô tả thì đất của Bạn vẫn an toàn, vì trong trường hợp này chủ thể là người sở hữu thực sự hợp pháp tài sản trên không phải là anh của bạn. Mặc khác sổ chỉ được cầm cố tín chấp, không thông qua pháp luật công nhận bằng việc công chứng hợp pháp với sự đồng ý của người đứng tên trên sổ đó.
Bạn có thể báo mất sổ để làm lại sổ khác. Tuy nhiên điều này không dễ vì anh bạn đang thiếu nợ người ta một số tiền, và nó sinh lãi mỗi tháng rất cao. Người cho vay sẽ cố tình chờ một thời gian dài để số lãi + gốc gần bằng giá trị miếng đất mới ra tay chiếm đất bằng việc thưa anh bạn ra tòa.
( planti )

Người cầm sổ đỏ không thể bán đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tương tự như 1 tài sản của người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó (như xe máy, xe ô tô... sổ đỏ chỉ khác ở chỗ có quyền sử dụng chứ không có quyền chiếm hữu).
Trường hợp anh họ của bạn dùng Sổ đỏ để thế chấp vay vốn giữa cá nhân với cá nhân mà sổ đỏ đấy mang tên anh họ bạn thì giao dịch trên là hợp pháp. Là thoả thuận (hợp đồng) giữa cá nhân với cá nhân. Anh họ của bạn phải chịu trách nhiệm về thoả thuận giữa anh họ của bạn với người ký kết hợp đồng (biên bản thoả thuận). Tuy nhiên người nhận thế chấp không được bán khi chưa có thoả thuận lại (hợp đồng mua bán công chứng).
Trường hợp sổ đỏ không mang tên anh họ của bạn mà anh họ bạn dùng để thế chấp cho người khác thì anh họ của bạn vẫn phải chịu trách nhiệm về việc cầm cố của mình, tuy nhiên bên nhận sổ đỏ phải trả lại sổ đỏ cho chủ thực sự của sổ đỏ, còn anh họ bạn vẫn phải chịu trách nhiệm về thoả thuận đã ký giữa anh họ bạn với bên nhận cầm cố.
Ở đây sổ đỏ chỉ là căn cứ để các bên có trách nhiệm cao hơn thực hiện hợp đồng, chứ người cầm sổ đỏ không được phép bán, cho tặng sổ đỏ nhà bạn khi chưa có hợp đồng mua bán giữa chủ đất với ngườ cầm sổ đỏ.
Bạn không thể lấy cớ mất để làm sổ đỏ khác vì khi người cầm cố cầm sổ đỏ đến và cầm giấy vay nợ đến thì bạn sẽ là người vi phạm pháp luật vì tội "lừa đảo cơ quan hành chính nhà nước".
( Nguyễn Mạnh Hùng )
Không ai dám chiếm đất khi anh vẫn đứng tên chủ quyền
Người nào đứng tên chủ quyền sổ đỏ thì mới có quyền bán đất. Không ai dám uy hiếp gia đình anh vì người đem cầm cố sổ đỏ là anh của anh nên ảnh phải có trách nhiệm trả tiền cho người đang cầm cố sổ đỏ của gia đình.
Nếu gia đình bị người ta uy hiếp thì nên báo với chính quyền địa phương về trường hợp này vì người nào dám uy hiếp gia đình anh thì bọn họ cũng phải chịu tội trước pháp luật nếu họ gây thương tích cho người trong gia đình hoặc có những lời hăm doạ làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Anh là người đứng tên sổ đỏ thì anh có thể xin làm lại sổ đỏ khác và nếu anh biết đưọc người nào đang cầm cố sổ đỏ của anh thì anh thì có thể làm đơn thưa kiện họ vì tội chiếm dụng sổ đỏ bất hợp pháp.
( Lee Quach )